Nhìn xung quanh bạn ngay bây giờ, rất có thể bạn sẽ thấy ít nhất một món đồ được làm bằng da thật. Bởi vì da không chỉ đẹp, nó cũng rất linh hoạt. Từ Túi xách, thắt lưng, giầy, boot, đồ nội thất, yên xe, nội thất xe, vòng tay, vòng cổ… Da có khả năng làm được những sản phẩm ghồ ghề bụi phủi đến những sản phẩm tinh tế, sắc nét. Từ hiện đại tới cổ điển, dù đồ của nam hay đồ của nữ… 

Đối với đa số các sản phẩm da mua tại Việt Nam, nguyên liệu sản phẩm thường đươc ghi chung là “Da Thật”. Tuy nhiên, với các sản phẩm có xuất sứ ở Châu âu, Mỹ, Nhật… thì phần nguyên liệu được ghi rất rõ, thường xuyên là: Full Grain, Top grain, Protected Grain, Corrected Grain, Genuine Leather, Suede… Đó là bởi vì, dù cùng được gọi tên là da thật/real leather nhưng chất lượng rất – rất khác nhau.

Trong bài đầu tiên về chủ đề Da, LECAS sẽ giúp bạn tìm hiểu những loại da phổ biến nhất, cách phân biệt da dựa trên chất lượng. Trước khi quyết định lựa chọn cho mình một sản phẩm làm bằng da thật, hãy xem mặt cắt của miếng da (các sản phẩm bằng giả da không bao giờ có miếng thử này), cấu trúc sợi của bề mặt cắt sẽ cho bạn biết chất lượng thực sự của sản phẩm.

Da thuộc được chia thành các lớp riêng biệt. Càng các lớp cao, chất lượng càng cao và ngược lại.

1. Full Grain – Da lớp 1/da cật

Là lớp trên cùng của da và được giữ nguyên trạng thái nguyên bản của da mà không có bất cứ hành động chà nhám, đánh bóng bề mặt nào… Đây là loại da có chất lượng tốt nhất, và chỉ những chú bò được chăm sóc trong môi trường nghiêm ngặt, vệ sinh sạch sẽ mới có thể tránh những vết sẹo do ghẻ, cọ mình vài dây gai, xương rồng hay vết cắn của côn trùng… mới được sử dụng da làm da full Grain. 
Da Full Grain giữ được nguyên vẹn các hạt da, lớp biểu bì trên cùng của da nên rất tự nhiên và bền. Bề mặt da vẫn còn thẩm thấu của lỗ chân lông nên Full Grain nếu sử dụng làm giầy thì rất thoáng chân đặc biệt trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Full Grain sử dụng làm túi thì rất sang trọng, khi sử dụng sẽ sản sinh ra một lớp patina tự nhiên khiến cho sản phẩm có “mầu thời gian, bóng mềm và rất êm mịn.
Tùy thuộc vào cách xử lý nhuộm và phủ bảo vệ cho da mà Full Grain lại chia thành:
- Full Grain Aniline - Da mộc lớp 1: Là loại da chỉ nhuộm thấu, không phủ bề mặt 100% tự nhiên.
- Full Grain Semi-Aniline - Da lớp 1 tự nhiên: Là loại da nhuộm thấu và phủ nhẹ polymer bề mặt để giảm bám bẩn và thấm nước, vẫn có độ thẩm thấu tự nhiên.
- Full Grain Protected Leather (Pigmented Leather) – Da lớp 1 phủ bảo vệ: da có bề mặt được phủ lớp polymer dầy hơn, không còn độ thẩm thấu tự nhiên nhưng ưu điểm là chống bám bẩn và chống thấm. 
Đồ da full Grain bạn sở hữu có một vài sẹo nhỏ, một vài vết côn trùng cắn hay vết hằn của nếp da? Đừng vội cho rằng nó không hoàn hảo, thực ra với rất nhiều người, bạn đang sở hữu món đồ da rất đáng giá.

2. Corrected Grain/ Da lớp 1 tạo bề mặt

Là lớp 1 của da bò nhưng bề mặt được xử lý chà, mài để loại bỏ đi sự không hoàn hảo của miếng da như sẹo lành, nốt trầy… trước khi phủ một lớp bề mặt được tạo hình giống các hạt da tự nhiên. Đây là loại da được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm cao cấp. Nó bền, đều mầu và hoàn hảo. Vì là da lớp 1, nên khi sử dụng da vẫn tạo ra lớp Patina (mầu tự nhiên) để tạo nên sự đẳng cấp và sang trọng cho sản phẩm đồ da.

3. Top Grain/ da lớp 2

Top Grain Leather là loại da có chất lượng thứ 2 sau Full Grain, được tạo ra khi tách bỏ một phần lớp da trên cùng nên loại da này khá bền. Bề mặt Top Grain được trà đi trà lại nhiều lần cho thật mịn, láng một lớp phủ bề mặt và tạo hình hạt da, vân kẻ… theo ý đồ của nhà sản xuất.
Da Top Grain không sản sinh ra lớp patina tự nhiên trong quá trình sử dụng nên với các sản phẩm làm bằng da Top Grain, các nhà sản xuất thường tạo một lớp bề mặt nhân tạo rất mượt, láng đều và tạo cảm giác mềm mại như lớp da Full Grain khi tiếp xúc. Do được phủ một lớp bề mặt nên da Top Grain chống bám bẩn tốt hơn, không thấm miễn là lớp phủ bề mặt vẫn nguyên vẹn. dụng.
Đây cũng là loại da có chất lượng tốt và được sử dụng rất phổ biến trong các sản phẩm thời trang và gia dụng.

4. Genuine Leather/suede– Da lớp 3

Lớp thứ 3 của da là loại da có chất lượng thấp nhất trong tất cả các sản phẩm làm từ da thật. Genuine Leather - da lớp 3 mất đi toàn bộ lớp kết cấu bền chắc nhất của da nên nhà sản xuất thường sử dụng keo và chất tạo bề mặt để để trông nó giống với da Top Grain hay Full Grain. Genuine Leather khi không sử dụng lớp tạo bề mặt thì được gọi là da lộn. 

5. Bonded Leather / da cán

Da cán là loại da sử dụng bụi và bào da của da thật trộn với keo, ép lại với nhau và phủ một lớp polymer (thường là khá dầy) để tạo bề mặt giống như các loại da lớp trên. Việc sử dụng da cán làm giảm rác thải trong quá trình sử dụng da thuộc, tác động tốt đến môi trường. Tuy nhiên, loại da này có sức bền kém, khó tạo được độ sang trọng cho đồ da. 
Da cán không được xếp vào loại da thật, tuy nhiên do thành phần của nó vẫn bao gồm da thật nên nếu sử dụng lửa để thử đốt cháy, da vẫn tạo ra mùi khét đặc trưng. Vì vậy, LECAS xếp chúng vào đây để bạn có thêm thông tin để phân biệt khi lựa chọn cho mình những sản phẩm da yêu thích. 
Ngày nay, các nhà sản xuất quá xuất sắc trong việc tạo ra lớp phủ bề mặt nên nếu những người bán hàng không hiểu rõ về da hoặc thiếu khách quan khi tư vấn cho khách hàng thì việc nhận biết chất lượng các loại da sẽ giúp các bạn hiểu rõ giá trị thực sự của món đồ da mình chọn lựa.


0.03486 sec| 1037.695 kb